Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

"Của hiếm" đất Hưng Tây

        xã Hưng Tây, người dân trìu mến gọi Võ Thị Ngà - viên chức dân số là "cô Ngà dân số". Với Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Hưng Nguyên, Ngà là người có năng lực và chịu nhiều vất vả nhất trong các cán bộ chuyên trách cấp xã. 
Chị Võ Thị Ngà - cán bộ Dân số - KHHGĐ xã Hưng Tây
   
          Sinh năm 1982, ở xóm Khoa Đà 3, xã Hưng Tây trong một gia đình có đạo Công giáo, từ nhỏ Võ Thị Ngà đã đam mê các hoạt động phong trào. Sau khi tốt nghiệp THPT, chị xe duyên cùng anh Nguyễn Văn Sỹ, một thanh niên người cùng xóm từng là Bí thư chi đoàn và có 3 năm quân ngũ. Nên vợ nên chồng, anh Sỹ vẫn động viên chị tham gia các công tác đoàn, hội phụ nữ xóm để sau đó, năm 2005 đến với công tác Dân số - Giáo dục và trẻ em.
          Những ngày đầu trong công tác mới với Ngà là một thử thách thực sự. Dù tiếp cận, nắm bắt công việc nhanh nhưng việc trở thành cán bộ Dân số khiến Ngà bị bà con chòm xóm và thậm chí ngay cả những người thân, họ hàng chê trách, tỏ thái độ không bằng lòng. "Với đồng bào Công giáo, làm công tác Dân số là thực hiện việc hạn chế sinh đẻ. Trong khi đó với đồng bào Công giáo thì không hạn chế, hơn nữa, việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật không được khuyến khích. Bởi vậy, khi em nhận công tác mới đã có không ít ý kiến vào ra..." - Ngà tâm sự. Với sự giúp đỡ của chồng và đặc biệt là sự động viên của cả bố mẹ nội ngoại, Ngà vẫn quyết tâm theo đuổi công việc. Hưng Tây là một địa bàn rộng, có 26 xóm (10 xóm giáo toàn tòng, 7 xóm vừa lương, vừa giáo) với khoảng trên một vạn dân, hệ thống truyền thanh thời bấy giờ vừa kém vừa thiếu nên để làm công tác dân số phải đến từng khu dân cư, thậm chí phải xuống từng hộ để vận động. Đường xá đi lại khó khăn, nhiều bận đi vận động đã vất vả lại bị từ chối, thậm chí xua đuổi, Ngà chỉ biết tấm tức khóc một mình. Dẫu vậy, Ngà không nản, một lần đến không có kết quả, Ngà trở lại lần hai, lần ba, thậm chí lần năm, lần sáu... Cứ như vậy, ròng rã khoảng gần 3 năm, cùng với quan tâm chỉ đạo của Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện, của xã, sự giúp đỡ tích cực của 26 cộng tác viên xóm là những cán bộ phụ nữ giàu kinh nghiệm, Ngà đã gần gũi được với người dân, giúp họ hiểu và nhận biết được lợi ích từ các chương trình, đề án Dân số - KHHGĐ cho bản thân. Ngà nói: "Công việc của em ngày một thuận lợi hơn. Người dân từ chỗ phải vận động, tuyên truyền đã tự đến Trạm y tế để thăm khám sức khỏe, sử dụng các biện pháp phòng tránh thai, thậm chí có người còn tự nguyện đình sản...".
Chị Võ Thị Ngà cùng bác Đinh Thị Liên trao đổi về
phương pháp tư vấn sức khỏe sinh sản cho các gia đình trẻ
          Năm 2013, ở xã Hưng Tây có 181 cháu bé ra đời, tỷ số giới tính là 93 bé trai/88 bé gái, trong đó có 32 cháu là con thứ ba (giảm 13 cháu so với năm 2012); trong 26 xóm, có 11 xóm không có gia đình sinh con thứ ba (tăng thêm 5 xóm so với năm 2012); có 1653/1656 gia đình ký cam kết không sinh con thứ ba đạt tỷ lệ 99,8%. So với những năm trước thì đây một kết quả đáng mừng. Tuy nhiên, theo Ngà thì với tổng số dân hiện nay của xã là 10172 người, trong đó, chiếm đến 52% là đồng bào Công giáo, cùng với việc người dân còn mang nặng tư tưởng muốn có con trai nối dõi tông đường nên việc giảm tỷ lệ sinh con thứ ba vẫn là một vấn đề khó. Ngà nói rằng, công tác Dân số - KHHGĐ có được sự quan tâm đặc biệt của các cấp ngành, đoàn thể. Chế độ, chính sách cho cán bộ làm công tác dân số cũng tốt hơn rất nhiều. Xã Hưng Tây được thụ hưởng đề án "Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, sàng lọc trước sinh sau sinh, truyền thông dân số vùng giáo", công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được tốt hơn... Đây là những thuận lợi để thực hiện công tác dân số - KHHGĐ, chính vì vậy, Hưng Tây phải quyết tâm đạt được được những kết quả cao hơn trước. Và Ngà phẩn khởi: "Em đã xây dựng kế hoạch thực hiện công tác Dân số - KHHGĐ cho năm 2014, đã được lãnh đạo Trung tâm và xã đồng ý cho triển khai thực hiện từ đầu năm. Ngày 26/3 này, xã đã tổ chức hội thi tìm hiểu sức khỏe sinh sản vị thành niên và thanh niên quy mô toàn bộ học sinh khối 8, 9 trường THCS Hưng Tây. Hội thi đã đạt được những kết quả rất tốt...".
          Chúng tôi đã về nhiều khu dân cư của xã Hưng Tây. Hầu hết trên các cột điện, tường rào có vị trí thoáng đãng trên các con đường liên xóm đều có những câu khẩu hiệu với nội dung tuyên truyền cho công tác Dân số - KHHGĐ. Tại xóm Phúc Điền 2, nơi đã 4 năm liền không có gia đình sinh con thứ 3, chúng tôi được nghe bác Đinh Thị Liên - cộng tác viên dân số kể cho nghe chuyện về 11 gia đình sinh con một bề của xóm nhưng thông hiểu về chính sách của Đảng, Nhà nước, đã ký cam kết không sinh con thứ ba. Và về "cô Ngà dân số", bà Liên nói rằng: Ở xã Hưng Tây, cán bộ, đảng viên trẻ như Ngà là của hiếm...
                                                                                                            Bài và ảnh: Vũ Nam

Những dấu ấn truyền thông dân số

        Bản chất công tác Dân số - KHHGĐ là một cuộc vận động mà để vận động có kết quả tốt phải tập trung cho công tác truyền thông. Làm gì để công tác truyền thông được tốt? Băn khoăn, trăn trở để rồi các cán bộ Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Hưng Nguyên đã nghĩ ra những cách làm hay, sáng tạo... 
          Biết chúng tôi có ý định tìm hiểu công tác Dân số - KHHGĐ của huyện Hưng Nguyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGD, ông Nguyễn Trung Thành có một gợi ý nhỏ rằng "vào trang tin điện tử của Trung tâm Dân số - KHHGĐ Hưng Nguyên thử xem sao". Lạ. Và sau đó là thú vị khi chúng tôi đến với trang điện tử này. Dù thông tin trên trang tập trung tuyên truyền chính sách, quy định của Nhà nước, tỉnh, huyện, ngành cùng những bài viết về dân số - KHHGD nhưng khá hấp dẫn. Càng bất ngờ hơn khi chúng tôi được biết, phần lớn các tác phẩm trên trang điện tử là sản phẩm "vườn nhà". Ông Nguyễn Kim Bảng - Giám đốc Trung tâm đã nói với chúng tôi rằng: Có lẽ tôi hơi quân phiệt khi buộc các cán bộ của mình vất vả nắm bắt thông tin và... viết bài. Nhưng bản chất của công tác Dân số - KHHGĐ là một cuộc vận động. Để thực hiện cuộc vận động này, công tác truyền thông là giải pháp cơ bản nhất. Vì vậy, các cán bộ dân số phải có kỹ năng viết, nói để làm tốt công tác truyền thông thường xuyên, truyền thông sự kiện hoặc truyền thông tư vấn cộng đồng, tư vấn hộ... mới truyền tải được những vấn đề của Dân số - KHHGĐ đến cho người dân...
Lãnh đạo huyện Hưng Nguyên trao giấy khen cho xóm Hồng Lam
trong buổi lễ "Truyền thông sông nước".

          Ông Bảng không quá lời. Không chỉ cán bộ Trung tâm mà ở cơ sở, các viên chức dân số mỗi tuần phải thực hiện một bài viết để lãnh đạo xã, Trung tâm duyệt và cho đọc trên đài truyền thanh xã. Đã xuất hiện những cây viết Dân số ở huyện Hưng Nguyên như chị Cao Thị Nhung, Ngô Thị Tuyên, Lương Thị Quỳnh... (cán bộ Trung tâm Dân số - KHHGĐ); Hồ Thị Huế (Hưng Tân), Võ Thị Ngà (Hưng Tây), Phan Thị Mai (Hưng Thịnh), Phan Thị Tuyết (Hưng Mỹ), Trần Thị Hồng Nhung (Hưng Đạo), Hoàng Thị Hòa (Hưng Lĩnh), Phan Thị Bé (Hưng Long)... Ở xã Hưng Tân, chị Hồ Thị Huế đã thực hiện đến cả trăm bài viết về công tác Dân số - KHHGD. Chị Huế nói: "Trước đây lãnh đạo Trung tâm ra đề cương để chúng tôi thực hiện viết bài. Từ đầu năm 2014 đến nay, các cán bộ dân số xã tự nắm bắt thông tin để viết. Cứ thứ hai hàng tuần, chúng tôi gửi bài để lãnh đạo duyệt sau đó phát thanh viên đài truyền thanh xã sẽ đọc trong sáng sớm và chiều tối thứ năm...". Chị Huế đã vui vẻ cho chúng tôi xem nhật ký phát thanh và những tác phẩm của mình. Bài viết của chị khá đa dạng và có những bài chất lượng cao như "Nhìn lại một năm thực hiện Chỉ thị 09-CT/TU ngày 19/9 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 20-NĐ/TU về việc đẩy mạnh công tác Dân số - KHHGĐ trong tình hình mới" (ngày 25/12/2013) với nội dung đánh giá ưu khuyết công tác dân số - KHHGĐ của xã và những giải pháp khắc phục tồn tại; bài "Gương sáng điển hình và những gia đình vi phạm chính sách Dân số - KHHGĐ ở địa phương" (ngày 25/12/2013) với nội dung nêu gương 608 cặp vợ chồng, tiêu biểu là gia đình anh Hồ Văn Trung, chị Nguyễn Thị Hải (xóm 9), bên cạnh đó, phê phán gia đình anh Lâm Văn Lai, chị Võ Thị Văn (xóm 6) có thai con thứ 3 làm ảnh hưởng đến phong trào chung của xã... Theo chị Huế thì: "Để viết được là cả một quá trình chúng tôi rèn luyện, lao tâm khổ tứ. Yêu cầu của Trung tâm, các bài viết phải sát thực, bám sát nội dung công việc; tập trung tuyên dương các điển hình nhưng cũng phê phán mạnh mẽ những trường hợp vi phạm. Lãnh đạo xã cũng có yêu cầu tương tự để công tác dân số - KHHGĐ ngày một tốt hơn. Nhờ làm tốt công tác truyền thông, công tác Dân số - KHHGĐ xã Hưng Tân có những bước tiến dài và được đánh giá là một trong 5 xã đạt thành tích tốt nhất huyện... 
Cán bộ Trung tâm Dân số - KHHGĐ Hưng Nguyên và công tác viên dân số
xóm Hồng Lam tư vấn KHHGĐ cho chị Trần Thị Hóa
          Ở Hưng Nguyên, công tác truyền thông theo sự kiện cũng có những cách làm hấp dẫn. Cán bộ Trung tâm Dân số - KHHGĐ đã phân bổ huyện thành 3 khu vực mang sắc thái riêng, gồm: Vùng sông nước là 10 xã dọc đê; vùng đồng bào công giáo gồm các xã Hưng Tây, Hưng Trung, Hưng Yên Nam, Hưng Yên Bắc; Vùng giữa là các xã còn lại. Và từ đó họ có những cách truyền thông sự kiện khác nhau cho phù hợp. Chúng tôi đã ghé về xóm Hồng Lam (xã Hưng Lợi) nơi Trung tâm Dân số - KHHGD huyện Hưng Nguyên tổ chức lễ "Truyền thông sông nước". Qua hơn 4 tháng rồi nhưng dư âm tốt đẹp của buổi lễ vẫn còn cán bộ, nhân dân xóm Hồng Lam (xã Hưng Lợi) ghi nhớ. Xóm trưởng xóm Hồng Lam, ông Hồ Quốc Hùng hào hứng: "Xóm Hồng Lam rải dọc theo đường tránh Vinh, từ cầu Bến Thủy 2 lên đến kề xã Hưng Lợi đến 5 khu vực với 127 hộ, 457 khẩu. Dù hôm đó đã cận kề Tết Nguyên đán, công việc tất bật nhưng nhân dân đến rất đông. Buổi lễ được tổ chức trên sông Lam, sân khấu là một chiếc xà lan lớn. Bà con đi thuyền cắm cờ hoa đến dự như là đi hội thật là vui...". Chị Ngô Thị Tuyên, cán bộ Trung tâm chuyên trách xã Hưng Lợi thì nói rằng: "Người dân vùng sông nước thường hay "vỡ kế hoạch", nhưng xóm Hồng Lam đã 10 năm liên tục không có gia đình sinh con thứ 3. Điều này đã cho thấy nhận thức về KHHGĐ của họ thay đổi đến thế nào. Trung tâm chọn tổ chức buổi lễ ở đây ngoài công tác tuyên truyền còn để huyện vinh danh xóm...". Quả thực, nếp nghĩ của người dân sông nước vùng Hưng Lợi đã rất tiến bộ. Trò chuyện với chị Trần Thị Hóa (vợ anh Trần Văn Mùi làm nghề đánh cá), là gia đình có 2 con gái, chị Hóa đã nói với chúng tôi rằng: "Có hai con là đủ rồi. Trai hay gái cũng không sao. Chồng tôi không buồn trái lại còn động viên tôi cố gắng giữ gìn sức khỏe, tập trung chăm lo cho các con để chúng có sức khỏe mà học hành...".
Cán bộ Trung tâm Dân số - KHHGĐ Hưng Nguyên
và các công tác viên dân số xã Hưng Lợi họp bàn triển khai công tác.
          Còn rất nhiều hình thức truyền thông mà Trung tâm Dân số - KHHGĐ Hưng Nguyên đã thực hiện. Đó là chương trình đối thoại trực tiếp được thực hiện ngày 8/5/2013 giữa lãnh đạo huyện, Chi cục Dân số - KHHGĐ với Cộng tác viên dân số của 254 xóm trên toàn huyện và hơn 500 cán bộ, nhân dân xã Hưng Tân với chủ đề "Dân số Hưng Nguyên: Những thách thức và giải pháp"; Lễ phát động chiến dịch "Tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sực khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình năm 2013" tổ chức ngày 28/3/2013 tại xã Hưng Yên Bắc với sự tham gia của lãnh đạo Chi cục và Thường trực Huyện ủy; Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện pháp lệnh Dân số; Kỷ nệm Ngày Dân số Thế giới; Hưởng ứng sự kiện 1/11/2013 dân số Việt Nam tròn 90 triệu người; Tháng hành động Quốc gia về Dân số; Ngày Dân số Việt Nam... Là gần 600 cuộc truyền thông tư vấn cộng đồng, tư vấn nhóm; Các buổi nói chuyện chuyên đề về các nội dung: chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình; chất lượng dân số; về đề án sàng lọc trước và sau sinh; đề án mất cân bằng giới tính. Là trên 1300 câu khẩu hiệu trên tường, áp phích, pa nô mang thông điệp Dân số - KHHGĐ; là hoạt động của 90 Câu lạc bộ "Gia đình hạnh phúc" với 4690 hội viên; là việc thực hiện đề án truyền thông Dân số - KHHGĐ vùng giáo...
           Nhờ làm tốt công tác truyền thông, ngành Dân số - KHHGĐ Hưng Nguyên đã gặt hái những thành quả đáng khích lệ. Đến tháng 12/2013, dân số Hưng Nguyên có 111.139 người; tổng số sinh 1.739 cháu, giảm 275 cháu so với năm 2012. Tỷ suất sinh:15,4%o, giảm 2,8%o so với năm 2012 (tỉnh giao 0,5%o); Tỷ số giới tính khi sinh là 124 bé trai/100 bé gái (năm 2012 là 137 bé trai/100 bé gái); Tổng số trẻ sinh là con thứ 3 trở lên là 327 cháu, giảm 32 cháu so với cùng kỳ. Trong đó có 65 cháu là con thứ 4, 20 cháu con thứ 5, 5 cháu con thứ 6, 3 cháu con thứ 7, 1 cháu con thứ 10 (chủ yếu tập trung ở các xã Hưng Yên Nam, Hưng Yên Bắc và Hưng Trung); Có 96 xóm không có gia đình sinh con thứ 3, tăng 12 khối, xóm so với năm 2012. Trong đó có nhiều khối xóm nhiều năm liên tục không có gia đình sinh con thứ 3; 16650/17180 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ ý cam kết không sinh con thứ 3, đạt 96,9%; 100% đơn vị hoàn thành công tác kế hoạch hóa gia đình. có những xã vượt chỉ tiêu như Hưng Tân (160%), Hưng Xá (134,7%), Hưng Mỹ (133,4%), Hưng Đạo (120%), Hưng Tây (118,3%), Hưng Yên Nam(117,1%), Hưng Yên Bắc (115,7%)... Với những kết quả này, ngành Dân số - KHHGĐ Hưng Nguyên được xếp loại là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
          Tự hào với những gì đã thực hiện, nhưng theo ông Bảng, công tác Dân số - KHHGĐ vẫn là một thách thức không nhỏ. Ông Bảng trăn trở: "Việc sinh con thứ 3 đã giảm đáng kể, vậy nhưng mức độ bền vững ra sao thì chưa thể có sự đánh giá chính xác. Trong năm 2013, Hưng Nguyên vẫn còn 24 cán bộ, đảng viên vi phạm, thậm chí vẫn còn tình trạng có cán bộ, giáo viên đến Trung tâm xin tư vấn để tránh không bị xử lý kỷ luật. Hưng Nguyên lại là vùng có khá đông đồng bào Công giáo chịu ảnh hưởng bởi giáo lý thần quyền có nhiều điểm khác biệt với chính sách về Dân số - KHHGĐ. Chúng tôi tuyên truyền trong nhân dân là sinh đẻ có kế hoạch, vậy nhưng với đồng bào Công giáo thì là "sinh đẻ có trách nhiệm", đồng thời bác bỏ các biện pháp phòng tránh thai...". Để vượt qua những khó khăn thách thức, ông nói rằng: Chúng tôi xác định một cách nhất quán công tác tuyên truyền giáo dục, vận động mọi tầng lớp nhân dân chuyển đổi hành vi, nhận thức là điều quan trọng nhất. Bởi vậy, sẽ tiếp tục tập trung cao độ cho công tác truyền thông. Bên cạnh việc duy trì có chất lượng những hình thức truyền thông đã thực hiện, chúng tôi sẽ mở ra thêm những loại hình truyền thông mới cho phù hợp với đặc điểm dân cư như truyền thông lưu động; truyền thông nổi bật... Hy vọng rằng những nỗ lực của ngành Dân số - KHHGĐ Hưng Nguyên sẽ nhận được sự ủng hộ các cấp, ngành và toàn thể nhân dân.

                                                                                                                  Hà Giang

Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014

Bất ngờ từ những bài văn nghị luận yêu sớm

Có nên yêu khi còn ngồi trên ghế nhà trường? Câu hỏi đã tưởng đã quá quen thuộc này vẫn luôn là vấn đề mới mẻ với mỗi thế hệ học trò. Qua một bài văn nghị luận xã hội nho nhỏ, tôi đã lắng nghe những tâm tư của học trò mà thường ngày các em rất ít thể hiện?



Đọc những trang viết của các em, tôi thực sự giật mình bởi quan niệm rất rõ ràng và hiện đại của các em về tình yêu.
Em Hoàng Vân, một học sinh lớp 10 viết:“Tình yêu là tình cảm giữa hai người khác giới. Tình yêu là sự rung cảm, sự lưu luyến gắn bó với nhau trong cuộc sống. Phải biết tôn trọng lẫn nhau và sẵn sàng dâng hiến cả cuộc đời cho nhau. Tình yêu là phải bất chấp tất cả để đến được với nhau”.
Suy nghĩ của các em vừa có sự nghiêm túc, quyết liệt và đầy trách nhiệm, nhưng cũng có sự bồng bột, ấu trĩ của tuổi mới lớn. Các em không ngần ngại bàn về tình dục trong tình yêu.
Còn em Vũ Thị Hương, 16 tuổi, thẳng thắn bày tỏ suy nghĩ: “học sinh THPT chưa nhận thức được tình yêu là gì? Khi yêu các bạn muốn trao cho người mình yêu tất cả cuộc sống của mình, cả tinh thần lẫn thể xác mà họ không nghĩ đến hậu quả của việc yêu sớm. Những hậu quả đó sẽ làm cho việc học tập ngày càng giảm sút, không tập trung vào học, có bạn đã mang thai khi còn đang học lớp 11, có bạn thì đã có thai nhưng lại phá bỏ và việc phá thai đó sẽ làm cho chúng ta sau này có hiện tượng bị vô sinh và làm cho các bệnh nguy hiểm xâm nhập vào đường tình dục”.

Lắng nghe những tâm sự của các em, tôi mới hiểu nhiều hơn những vấn đề mà không ít học trò của mình đang gặp phải.
Em Nguyễn Thị Hồng đã minh chứng rất sinh động về hậu quả của tình yêu mà cô bạn của em gặp phải: “Đang học mà nhận được tin nhắn của người yêu thì phải tìm mọi cách để đọc và trả lời. Nếu tin nhắn mà bạn không hiểu thì cả buổi học hôm ấy bạn không tập trung được, chỉ quay quanh ý nghĩ – Anh ấy nói như vậy là sao? Tin nhắn này có nghĩa gì?...- Bạn còn bỏ học đi chơi với người yêu, nói dối bố mẹ…”
Cũng có một số em bảo vệ tình yêu của tuổi học trò bởi sự trong sáng thiêng liêng, có em vẫn nhầm lẫn ranh giới giữa tình bạn và tình yêu.
Em Nguyễn Văn Dũng cho rằng: “Có được một người bạn thân và hơn cả thân để nói chuyện thì quá tốt. Có những chuyện ta không thể nói cho bố mẹ biết những vẫn có thể nói với người ấy. Hai người cùng nhau học sẽ nhanh tiến bộ hơn”.
Rất may, phần lớn học trò của tôi cho rằng không nên yêu khi còn là học sinh THPT. Các em đều nhìn nhận được hậu quả của việc yêu sớm và câu trả lời được các em lí giải rất cặn kẽ ở nhiều góc độ. Em Nguyễn Thị Thôn bày tỏ quan điểm: “Theo em, học sinh THPT thì không nên yêu. Vì yêu sớm sẽ ảnh hưởng đến việc học của mình, ảnh hưởng đến tương lai sau này của mình. Tự dưng yêu rồi lại bỏ, như vậy không phải tình yêu đích thực”.
Sau những dòng trải lòng rất thật của học trò, tôi thấy vai mình nặng hơn, những bài giảng cần phải sâu hơn, rộng hơn, thiết thực hơn để có thể giúp các em định vị đúng con đường phía trước.

Trang Nhung

6 bí mật về giấc ngủ mà không phải ai cũng biết

Mặc dù ngủ là một hoạt động không thể thiếu của mỗi người nhưng không phải cũng hiểu hết về giấc ngủ để giữ cho mình khỏe mạnh.

1. Giấc ngủ ngắn có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi hơn

Sự thật: Vấn đề là thời gian ngủ bao lâu. Một giấc ngủ ngắn từ khoảng 5- 20 phút có thể giúp giải phóng bộ não khỏi mệt mỏi và góp phần bù đắp cho việc thiếu ngủ vào đêm hôm trước. Nhưng sau 20 phút não sẽ chuyển vào trạng thái giấc ngủ sâu hơn, lúc này nếu bị đánh thức, bạn có thể cảm thấy lảo đảo và bực bội.

Biện pháp: Hãy đặt ra giới hạn cho giấc ngủ trưa trong khoảng 20 phút thôi. Và đừng ngủ sau 3 giờ chiều, bởi vì đây là lúc hormone ngủ trong cơ thể - melatonin bắt đầu tăng, báo hiệu thời gian thư giãn cho não bộ. Vì vậy, nếu ngủ bạn sẽ ngủ rất sâu và khó tỉnh dậy, khi dậy sẽ mệt mỏi.

2. Tập thể dục gần giờ ngủ sẽ khiến bạn tỉnh táo và khó đi vào giấc ngủ

Sự thật: Tập một vài động tác nhẹ nhàng trước lúc lên giường cũng sẽ không hề gây ra bất cứ vấn đề rắc rối gì cho giấc ngủ sau đó. Theo nhiều nghiên cứu, nó còn rất có lợi cho bạn vì sẽ giúp bạn nhanh vào giấc hơn.

Giải pháp: Miễn là bạn cảm thấy thư giãn, các bài tập sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Và theo đó, yoga là một trong những lựa chọn hàng đầu do sự dẻo dai và nhẹ nhõm mà nó mang lại.

Mặc dù ngủ là một hoạt động không thể thiếu của mỗi người... Ảnh minh họa

3. Một số người chỉ cần ngủ rất ít

Sự thật: Đúng, nhưng những người như thế không hề nhiều và nhìn chung, bạn vẫn cần đảm bảo giấc ngủ tối thiểu 6 tiếng một ngày. Một bí mật nữa, khả năng ngủ ngắn cũng do gen di truyền, do đó, nếu bố mẹ bạn là những người ít ngủ, có thể bạn cũng thế.

Biện pháp: Hãy nhận ra những dấu hiệu cho thấy bạn đang thiếu ngủ , ví dụ như: thèm đồ ngọt, caffeine, hay vẫn muốn ngủ tiếp sau khi đã thức dậy. Ngược lại, nếu bạn tỉnh giấc vào cùng một thời điểm mỗi ngày mà không cần đến đồng hồ báo thức – khi mới ngủ được 4 hay 5 tiếng – có thể bạn thuộc tuýp người ngủ ít thật sự.

4. Trong tuần thiếu ngủ, bạn vẫn có thể ngủ bù vào hai ngày cuối tuần

Sự thật: Ngủ nướng có thể là phần thưởng hấp dẫn cho bất cứ ai sau cả một tuần thức khuya dậy sớm. Tuy nhiên một vài nghiên cứu đã cho thấy khả năng tập trung của người bị thiếu ngủ vẫn suy giảm ngay cả khi đã ngủ bù vào cuối tuần. Lý do rất đơn giản: việc ngủ nướng sẽ khiến cho đồng hồ sinh học của cơ thể bị rối loạn, và do đó khi đi làm lại, bạn sẽ cảm thấy cực kỳ mệt mỏi.

Biện pháp: Nếu bạn bị mất ngủ tối hôm trước, hãy thu xếp ngủ bù chút ít vào tối sau đó. Tuy nhiên ngủ nướng sẽ không thể là giải pháp tốt cho những đêm thiếu ngủ thường xuyên. Thay vào đó, hãy tập thói quen dậy đúng giờ hàng ngày, ngay cả ngày nghỉ, để giúp cơ thể điều tiết đồng hồ sinh học và hưởng lợi nhiều nhất từ giấc ngủ.

5. Nếu bạn bị chứng mất ngủ, hãy lên giường sớm hơn

Sự thật: Chứng mất ngủ tác động tới ba phần tư trong chúng ta, với những căng thẳng và lo âu khiến hầu hết mọi người không thể ngủ ngon hàng đêm. Một trong những sai lầm thường thấy là đi ngủ quá sớm.

Biện pháp: Tạo ra những 'áp lực cho giấc ngủ ", đó là hoạt động đủ để làm cho mình thật sự mệt mỏi khi lên giường. Càng ít quan tâm đến giấc ngủ, bạn sẽ càng cảm thấy dễ ngủ hơn. Nếu thức dậy vào giữa đêm và không thể quay lại giấc ngủ, hãy bình tĩnh và thư giãn thay vì cáu kỉnh. Ăn nhiều thực phẩm giúp tăng khả năng dẫn truyền thần kinh giấc ngủ cũng là lời khuyên tốt. Chúng bao gồm: bánh mì ngũ cốc, trái cây (đặc biệt là chuối và anh đào) và các loại thực phẩm giàu protein bao gồm thịt bò, cá hồi, thịt lợn, cá trích và gà tây.

... nhưng không phải cũng hiểu hết về giấc ngủ để giữ cho mình khỏe mạnh. Ảnh minh họa

6. Ngủ thiếu một tiếng mỗi đêm sẽ không gây ảnh hưởng gì lắm

Sự thật: Một nghiên cứu cho thấy những người thường xuyên có thời gian chợp mắt ít hơn một tiếng so với bình thường đều trở nên kém lanh lợi vào ngày hôm sau. Đáng báo động hơn, sau một tuần, xét nghiệm máu cho thấy những gì diễn ra trong cơ thể, kết hợp với chứng viêm , phản ứng miễn dịch và căng thẳng trở nên bất lợi hơn. Ngoài ra, có sự gia tăng trong hoạt động của các gen liên quan đến bệnh ung thư và nguy cơ tiểu đường. Tuy nhiên, ở những người ngủ thêm một giờ quá trình này đã bị đảo ngược.

Giải pháp: Các thiết bị điện tử và bóng đèn tiết kiệm năng lượng phát ra sóng ánh sáng màu xanh, báo hiệu giả cho bộ não rằng vẫn còn ban ngày. Để khắc phục tình trạng này, cố gắng tắt hết các thiết bị di dộng, máy tính bảng và laptop trước khi ngủ, và giữ ánh sáng ở mức tối thiểu có thể.

Công tác Dân số- KHHGĐ có vai trò quan trọng trong việc cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ em tại địa phương

Đầu tư và công tác Dân số- KHHGĐ là đầu tư cho sự phát triển bền vững - một số bằng chứng cụ thể, rõ ràng về lợi ích của việc đầu tư này đó là: giảm được tình trạng mang thai ngoài ý muốn, giảm tử vong mẹ và trẻ sơ sinh, tăng tiết kiệm và năng suất gia đình, và giáo dục trẻ em tốt hơn, tăng cường kinh tế và giảm áp lực tới tài nguyên thiên nhiên ở các nước đang phát triển. Với những lợi ích này, tăng đầu tư vào KHHGĐ và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh sẽ đẩy nhanh tiến trình đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ vào năm 2015. Cụ thể hơn là công tác Dân số- KHHGĐ có vai trò quan trọng trong việc cải thiện sứ khỏe bà mẹ trẻ em. Trước hết đòi hỏi các cặp vợ chồng cần phải có trách nhiệm trong việc thực hiện các dịch vụ KHHGĐ. Cùng với sự phát triển của cuộc sống hiện đại thì vấn đề thực hiện tốt KHHGĐ càng trở nên quan trọng nó mang lại lợi ích trực tiếp và thiết thực:
Giúp cho các bà mẹ tránh được các hao tổn về sức khỏe do phải thường xuyên mang thai đẻ dày, đẻ nhiều, tránh được ốm đau cho trẻ em do phải ngừng việc nuôi con bằng sữa mẹ và tiếu sự chăm sóc vì có sự ra đời của đứa con tiếp theo. Đẻ ít, đẻ thưa làm cho thể chất và tinh thần của người mẹ được cải thiện vì ít phải lo lắng, có điều kiện để học tập nâng cao trình độ.
Ảnh: Minh họa
Giảm các trường hợp mang thai không chỉ định, giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh và giảm được các  trường hợp phá thai không an toàn. Sẽ có nhiều phụ nữ không chết do băng huyết và nhiễm trùng do mắc bệnh, vô sinh và các vấn đề sức khỏe khác liên quan đế mang thai và sinh đẻ. Trẻ sơ sinh sẽ có cơ hội sống sót do ngạt, thiếu cân và viêm nhiễm.
Ngoài ra nó còn mang lại những lợi ích khá đáng kể về mặt sức khỏe và toàn xã hội như là: Sử dụng bao cao su nhiều hơn trong tránh thai sẽ giảm lây truyền HIV và các viêm nhiễm qua đường tình dục, qua đó hạn chế dịch AIDS. Giảm các trường hợp sinh không chủ định và quy mô gia đình sẽ tiết kiệm chi tiêu về các dịch vụ y tế, nước, vệ sinh và xã hội, và giảm áp lực tới các nguồn tự nhiên khan hiếm. Giảm các trường hợp sinh không chủ định, đặc biệt ở vị thành niên sẽ tăng các cơ hội giáo dục và việc làm cho phụ nữ, góp phần nâng cao vị thế phụ nữ, tăng tiết kiệm gia đình, giảm nghèo và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Chăm sóc SKSS/KHHG nói chung và sức khỏe bà mẹ trẻ em nói riêng mang một ý nghĩa quan trọng hướng tới mục tiêu nâng cao chât lương dân số. Vì sức khỏe sinh sản của bản thân, vì hạnh phúc của mỗi gia đình, mỗi cá nhân, các cặp vợ chồng cần tích cực tham gia thực hiện KHHGĐ để nâng cao sức khỏe sinh sản của bản thân và cải thiện sức khỏe bà mẹ trẻ em.
                                                                        Nguyễn Thị Vân
                                        Viên chức Dân số- KHHGĐ xã Hưng Lam

Quỳnh Lưu: Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 20 - NQ/TU ngày 26/6/2009 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XVI) về tiếp tục Đẩy mạnh công tác Dân số - KHHGĐ trong tình hình mới

Nghị quyết TW4, khoá VII ngày 14 tháng 1 năm 1993 khẳng định: Công tác Dân số/KHHGĐ là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước, là một trong những vấn đề kinh tế - xã hội hàng đầu ở nước ta, là một giải pháp chủ yếu để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và toàn xã hội.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 26/6/2009 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác Dân số/KHHGĐ trong tình hình mới, huyện Quỳnh Lưu đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Ngay sau khi có Nghị quyết số 20-NQ/TU của BTV Tỉnh ủy và Kế hoạch số 74-KH/HU ngày 11/8/2009 của BTV Huyện ủy; UBND huyện đã kịp thời ban hành Chương trình hành động số 2066/CTHĐ-UBND ngày25/11/2009 về việc thực hiện Nghị quyết gắn với các nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể, giao trách nhiệm cho các ban, ngành đoàn thể, các xã, thị trấn triển khai thực hiện. Đồng thời tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện Quyết định 76/2012/QĐ-UBND ngày 19/10/2012 của UBND tỉnh và Quyết định số 01/2013/QĐ-UBND ngày 11/01/2013 của UBND huyện về việc ban hành Quy định một số chính sách DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh Nghệ An và huyện Quỳnh Lưu.
Trong 5 năm, HĐND huyện ban hành 01 Nghị quyết, UBND huyện đã ban hành 44 Quyết định, 17 kế hoạch, 01 chương trình hành động, 11 công văn, hướng dẫn chỉ đạo cơ sở thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu công tác DS/KHHGĐ.





Một số hình ảnh tại Hội nghị- ảnh TT DS Quỳnh Lưu cung cấp

Cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn đã tổ chức quán triệt Nghị quyết, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động tổ chức triển khai thực hiện hàng năm; tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra kết quả thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch, chương trình mục tiêu gắn với việc triển khai thực hiện Kết luận 44-KL/TW của Bộ chính trị về công tác DS/KHHGĐ trong tình hình mới; Quyết định số 181-QĐ/TW ngày 30/03/2013 của Ban chấp hành Trung ương về xử lý đảng viên vi phạm chính sách DS/KHHGĐ.
Sau khi có Nghị quyết, các cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội đã tăng cường tuyên truyền vận động đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chính sách DS/KHHGĐ; gắn chương trình DS/KHHGĐ với các chương trình xóa đói, giảm nghèo, xây dựng khối, xóm, làng, bản văn hóa và Phong trào xây dựng Nông thôn mới. Đưa tiêu chí thực hiện chính sách dân số vào quy ước, hương ước của địa phương và quy định của cơ quan, đơn vị. Nhìn chung, nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhân dân được nâng lên, tỷ lệ sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên một số năm giảm; quy mô dân số từng bước ổn định.
Công tác tuyên truyền, giáo dục về các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước trong lĩnh vực DS/KHHGĐ được tăng cường hơn, tạo sự chuyển biến và đồng thuận trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân; xác định được công tác DS/KHHGĐ là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng; là một trong các tiêu chí thi đua của đảng bộ, các tổ chức đoàn thể, đơn vị hàng năm.
Năm 2009: Số trẻ sinh trong năm: 5.457 cháu, tỷ suất sinh 14,3%o ( giảm 360 cháu, tỷ suất giảm 1,19%o so với năm 2008); tỷ lệ phát triển dân số: 0,99%, giảm 0,11% so với năm 2008; số trẻ là con thứ 31.365 cháu, tỷ lệ 25,01% (giảm 141 cháu, giảm 0,87% so với năm 2008); tỷ lệ chấp nhận biện pháp tranh thai hiện đại 78,7%; tỷ số giới tính khi sinh 113 bé trai/100 bé gái.
Năm 2010: Số trẻ sinh trong năm là 5.488 cháu, tỷ suất sinh 14,2%o (tăng 31 cháu, tỷ suất giảm 0,1%o so với năm 2009); tỷ lệ phát triển dân số: 0,96% giảm 0,03% so với năm 2009; số trẻ là con thứ 3+ là 1.297 cháu, tỷ lệ 23,6% (giảm 68 cháu, giảm 1,41% so năm 2009); tỷ số giới tính khi sinh 118 bé trai/ 100 bé gái.
Năm 2011: Số trẻ sinh trong năm 5310 cháu, tỷ suất sinh 13,7%o (giảm 178 cháu, tỷ suất giảm 0,5%o so với năm 2010);  tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên 0,9%, giảm 0,06% so với năm 2010; số trẻ là con thứ 3+: 1117 cháu, tỷ lệ 21,03% (giảm 180 cháu, giảm 2,57% so với năm 2010); tỷ số giới tính khi sinh 120 bé trai/ 100 bé gái.
Năm 2012: Số trẻ sinh trong năm 8.878 cháu, tỷ suất sinh 22,7%o, (tăng 3.568 cháu, tỷ suất tăng 9%o so với năm 2011); tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên: 1,77%, tăng 0,87% so với năm 2011; số trẻ là con thứ 3+: 2.388 cháu, tỷ lệ 26,9% (tăng 1.271 cháu, tăng 5,87% so với năm 2011); tỷ số giới tính khi sinh 116 bé trai/ 100 bé gái.
Năm 2013: ( 33 xã, thị trấn huyện Quỳnh Lưu)  Số trẻ sinh trong năm 5.893 cháu, tỷ suất sinh 20,7%o; tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên: 1,53%; số trẻ là con thứ 3+: 1.297 cháu, tỷ lệ 22%; tỷ số giới tính khi sinh 118 bé trai/ 100 bé gái.
Kết quả 5 năm, hầu hết các chỉ tiêu đạt thấp hoặc chưa đạt, năm 2013 tỷ suất sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 còn cao; tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh đang ở mức báo động và có chiều hướng gia tăng. Số cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách DS/KHHGĐ: năm 2009 là 47; năm 2010 là 29; năm 2011 là 10, có chiều hướng gia tăng năm 2012, 2013. Năm 2012 có 162 cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách Dân số, trong đó ngành giáo dục có 88 cán bộ giáo viên vi phạm. Năm 2013 có 62 cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách Dân số, trong đó ngành giáo dục có 25 cán bộ giáo viên vi phạm.      
Nguyên nhân của những tồn tại trên là một số cấp ủy Đảng, chính quyền xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng, tính chất khó khăn, phức tạp và lâu dài của công tác dân số đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; chưa quan tâm đúng mức hoặc có biểu hiện buông lỏng, xem nhẹ công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thiếu đầu tư nguồn lực cho công tác dân số.
Quy định xử lý đối với cán bộ, đảng viên vi phạm DS/KHHGĐ có phần nới lỏng, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe, giáo dục. Nhiều cán bộ, đảng viên sinh con thứ 3 trở lên làm ảnh hưởng đến lòng tin, khó thuyết phục, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương chung.
Mức giảm sinh chưa bền vững; số phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ tăng, tiềm năng sinh đẻ cao. Huyện rộng, nhiều xã có giáo dân,  xã vùng biển, ven biển; một bộ phận nhân dân nặng nề tư tưởng phải có con trai, sinh con vào năm đẹp…
          Nhiệm vụ chủ yếu cho năm 2014 và những năm tiếp theo đó là chúng ta phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, huy động sự vào cuộc của tất cả các ban ngành đoàn thể, chỉ đạo và tổ chức nghiêm túc việc ký cam kết thực hiện chính sách DS/KHHGĐ của cán bộ đảng viên, công chức, viên chức, người dân… nhằm giảm tỷ lệ sinh và sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn toàn huyện, từng bước nâng cao chất lượng dân số góp phần xây dựng quê hương giàu mạnh, văn minh.

 Hoàng Đình Tùng – Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ Quỳnh Lưu

Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014

Hưng Thịnh: Trung tâm học tập cộng đồng xã phối hợp với Ban chỉ đạo thực hiện công tác Dân số-KHHGĐ xã truyền thông tư vấn cộng đồng về Dân số-KHHGĐ

Chiều ngày 28/3/2014, Trung tâm học tập cộng đồng xã Hưng Thịnh phối hợp cùng Ban Dân số - KHHGĐ và Hội Liên hiệp phụ nữ xã tổ chức buổi truyền thông tư vấn cộng đồng về kiến thức về Dân số/SKSS/KHHGĐ cho chị em phụ nữ 12 xóm.
Đến tham dự buổi truyền thông tư vấn cộng đồng về kiến thức Dân số/SKSS/KHHGĐ có đồng chí Hồ Thị Thanh Phúc cán bộ Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện;  lãnh đạo xã có đồng chí Trương văn Tám - Phó chủ tịch UBND xã và các đồng chí trong ban thường vụ đảng ủy, UBND, UBMTTQ xã, trưởng các ban ngành đoàn thể cấp xã và gần 120 chị em phụ nữ.




Đồng chí Nguyễn Hữu Quang, trưởng phòng Truyền thông - giáo dục chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh trực tiếp truyền thông
          Buổi truyền thông đã được nghe đồng chí Nguyễn Hữu Quang - Trưởng phòng Truyền thông - giáo dục của Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh Nghệ An trao đổi nói chuyện về các vấn đề: Thực trạng công tác Dân số/CSSKSS và kế hoạch hóa gia đình ở nước ta hiện nay; các văn bản của Đảng và Nhà nước cũng như của tỉnh Nghệ An đối với công tác Dân số;  một số vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản cho chị em cũng như giải đáp các câu hỏi của chị em đặt ra.

Hy vọng rằng qua buổi truyền thông sẽ góp phần nâng cao nhận thức hiểu biết cho chị em các vấn đề về công tác Dân số/CSSKSS/KHHGĐ để vận dụng vào trong cuộc sống hàng ngày./.
 Bài và ảnh: Thanh Phúc – Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện

Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

VỆ SINH ĐỐI VỚI BỘ PHẬN SINH DỤC NỮ

Lactacyd- dung dịch vệ sinh khá hấp dẫn
Dù là nam hay nữ thì việc giữ vệ sinh bộ phận sinh dục là rất cần thiết, nhất là chị em phụ nữ, bộ phận sinh dục nữ có cấu tạo phức tạp nhiều khe kẽ, ngoài ra mỗi tháng lại có kì kinh nguyệt, nên việc giữ vệ sinh không đúng cách dễ khiến chị em mắc các bệnh phụ khoa viêm nhiễm. Chính vì thế, việc giữ vệ sinh bộ phận sinh dục nữ là rất cần thiết, nhưng chúng ta đã biết vệ sinh đúng cách chưa?
1. Dùng nước sạch để rửa. Nếu vào mùa lạnh nên sử dụng nước sạch ấm để rửa bộ phận sinh dục. Rửa hàng ngày, ít nhất là mỗi ngày rửa một lần và thay quần lót. Tuyệt đối không được cho ngón tay vào rửa bên trong âm đạo ngay cả khi có kinh nguyệt vì nếu không cẩn thận sẽ làm nước rửa hoặc bẩn theo đó vào bên trong gây viêm nhiễm cho bộ phận sinh dục. Không tự thụt rửa âm đạo khi không có chỉ định của bác sĩ điều trị.
2. Dùng gáo dội hoặc vòi nước để xả nước vào bộ phận sinh dục. Tránh để vòi nước xả thẳng vào bộ phận sinh dục vì dễ làm nước vào trong âm đạo gây bẩn. Tốt nhất không nên ngồi trong chậu nước hoặc trong bồn tắm bởi vì vi khuẩn từ hậu môn dễ theo nguồn nước xâm nhập vào bên trong bộ phận sinh dục. Nếu chị em đi làm mà phải ngâm mình trong ao hồ thì khi về phải thay đồ ướt và vệ sinh cơ quan sinh dục liền.
3. Lấy xà bông cho vào tay rồi xoa vào bộ phận sinh dục nữ, rửa kỹ, rửa sạch, rửa bộ phận sinh dục trước sau đó mới rửa ra đằng hậu môn. Xả lại bằng nước sạch cho hết bọt xà bông rồi lấy vải sạch thấm khô, tránh để ẩm ướt gây viêm nhiễm nấm cho bộ phận sinh dục nữ. Không nên dùng xà bông hay các chất tẩy rửa mạnh để vệ sinh vùng kín.
Dạ Hương, một loại dung dịch vệ sinh có hiệu quả
Hiện nay trên thị trường có nhiều loại dung dịch vệ sinh phụ nữ, chúng ta cần phải chọn loại phù hợp với mình. Một sản phẩm rửa phụ khoa thích hợp dùng hằng ngày phải đảm bảo các yêu cầu sau: Làm sạch nhẹ nhàng; ngăn ngừa vi trùng gây bệnh viêm nhiễm phụ khoa; khử mùi hôi vùng kín; an toàn khi dùng thường xuyên, phù hợp với sinh lý vùng kín; dưỡng da, tái tạo da, giúp da và niêm mạc vùng kín luôn tươi nhuận, tạo cảm giác thoải mái, tự tin cho bạn gái. 
4. Vệ sinh bộ phận sinh dục nữ trước và sau khi quan hệ tình dục, và ở tuổi dậy thì chất dịch nhờn âm đạo bắt đầu xuất tiết, dịch này không bẩn nhưng nếu không giữ vệ sinh sạch sẽ dịch sẽ bị vi khuẩn xâm nhập gây nên mùi hôi, nấm mốc và các viêm nhiễm bộ phận sinh dục.
5. Vệ sinh kinh nguyệt: mỗi ngày thay băng vệ sinh ít nhất 4 giờ một lần, rửa sạch cửa mình bằng nước sạch hay nước rửa vệ sinh phụ nữ. Nên tắm, rửa trong tư thế đứng hoặc ngồi, tránh tắm nằm trong bồn. Tránh giao hợp khi hành kinh. Băng vệ sinh phải đảm bảo sạch, đủ thấm và còn thời gian sử dụng.
6. Mang đồ lót làm bằng sợi bông để tạo ra môi trường thoáng, khô ráo. Cần thay đồ lót hằng ngày. Không nên mặc quần bó vì quần bó làm ra nhiều mồ hôi và dễ cọ xát, vì thế vi khuẩn phát sinh và gây ra viêm bàng quang.
7. Khi đi vệ sinh xong bạn nên chùi từ đằng trước ra đằng sau để tránh việc lây nhiễm vi khuẩn từ hậu môn sang âm đạo.
Nguyễn Thị Hồng Điệp
Trung tâm  Dân số - KHHGĐ huyện Hưng Nguyên

CÁN BỘ, VIÊN CHỨC DÂN SỐ - KHHGĐ HƯNG NGUYÊN HƯỞNG ỨNG CHIẾN DỊCH HIẾN MÁU TÌNH NGUYỆN


Sáng nay, ngày 28/03/2014, tại Nhà văn hóa Lê Hồng Phong huyện Hưng Nguyên, Ban chỉ đạo Hiến máu tình nguyện tổ chức lễ phát động hiến máu tình nguyện năm 2014 với đông đảo hàng ngàn người tham gia như một ngày hội nhân đạo của huyện nhà.

Nhận thức được, “Hiến máu nhân đạo”là một hành động cao cả, một nghĩa cử cao đẹp của toàn xã hội. Hằng ngày, hằng giờ, chúng ta vẫn luôn gặp phải những hoàn cảnh rất khó khăn vì không có đủ máu kịp thời cung cấp cho những ca cấp cứu. Chỉ cần hiến một phần máu của mình bạn đã cứu được rất nhiều người trước nguy cơ mất người thân, bạn bè và trước tiên là cứu được tính mạng của chính các người bệnh đang cần đến máu. Hiến máu không gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí còn có một số tác dụng tích cực nhất định đối với cơ thể của người hiến máu. Lượng máu đã hiến sẽ được cơ thể nhanh chóng tái tạo phục vụ cho quá trình tuần hoàn. Hiến máu không mất nhiều thời gian và sức lực nhưng rất cần thiết cho xã hội.
Dương Thị Mơ, viên chức Dân số - KHHGĐ xã Hưng Phúc - Ảnh Hồng Điệp
Cao Thị Nhàn, Cộng tác viên Dân số - KHHGĐ xóm 1, xã Hưng Đạo - Ảnh Hồng Điệp

Hiến máu là hoạt động luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc cán bộ viên chức Dân số - KHHGĐ huyện Hưng Nguyên. Hoạt động này vừa tôn vinh truyền thống yêu thương, đùm bọc lẫn nhau vừa thể hiện sự nhiệt huyết, sẵn lòng sẻ chia đối với cộng đồng. Các đồng chí là cán bộ viên chức Trung tâm, viên chức Dân số - KHHGĐ ở 23 đơn vị và cộng tác viên dân số đã hưởng ứng nhiệt tình, tình nguyện đăng ký tham gia hiến máu dành cho những bệnh nhân kém may mắn đang cần sự giúp đỡ.
Nguyễn Thị Hồng Điệp
  Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Hưng Nguyên

Xã Hưng Yên Bắc: HỌP BAN CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN CÔNG TÁC DÂN SỐ – KHHGĐ Năm 2014

Thực hiện kế hoạch chỉ đạo của Trung tâm Dân số- KHHGĐ huyện Hưng Nguyên về việc triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác Dân số- KHHGĐ. Sáng ngày 27/03/2014, UBND xã Hưng Yên Bắc tổ chức hội nghị Ban chỉ đạo thực hiện công tác Dân số-KHHGĐ năm 2014
Dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Tú Sáu – Phó bí thư Đảng ủy,Chủ tịch UBND xã, Kiêm trưởng BCĐ thực hiện công tác Dân số-KHHGĐ xã, hội nghị đã đánh giá kết quả công tác Dân số -KHHGĐ được một số kết quả đã đạt được trong 3 tháng đầu năm và nêu ra một số khó khăn trong công tác Dân số-KHHGĐ của những năm trước, đồng thời triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trước mắt, đặc biệt là việc xử lý các trường hợp vi phạm chính sách Dân số-KHHGĐ.
Ban chỉ đạo thực hiện công tác Dân số-KHHGĐ Hưng Yên Bắc
Năm 2013, mặc dù Hưng Yên Bắc đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông thiết thực, nhưng vẫn là một trong những xã có tỷ lệ sinh và sinh con thứ 3 trở lên cao của huyện, tình trạng vi phạm chính sách Dân số-KHHGĐ đã ảnh hưởng rất lớn tới thành quả mà Đảng bộ  nhân dân xã nhà đạt được.
Tại hội nghị đồng chí Nguyễn Tú Sáu – phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, trưởng BCĐ thực hiện công tác Dân số-KHHGĐ xã biểu dương kết quả đạt được và những tồn tại chưa khắc được, đồng thời giao nhiệm vụ cho các thành viên BCĐ thời gian tới cần tăng cường tập trung tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nắm chắc và sát các đối tượng chưa sử dụng BPTT, tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc Quyết định số 76/2012/QĐ-UBND, ngày 19/10/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An về việc Ban hành Quy định một số chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Quyết định số 01/2013/QĐ-UBND, ngày 28/01/2013 của UBND huyện về việc quy định một số chế độ, chính sách về Dân số-KHHGĐ trên địa bàn huyện Hưng Nguyên. Nghị Quyết số 34/2013/NQ-HĐND, ngày 30/12/2013 của Hội đồng nhân dân xã Hưng Yên Bắc về việc Ban hành Quy định một số chế độ chính sách Dân số - kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn xã Hưng Yên Bắc. Cũng tại hội nghị này các thành viên BCĐ đã trao đổi, thảo luận nhiều giải pháp để thực hiện tốt hơn công tác Dân số-KHHGĐ trong thời gian tới.
Kết luận hội nghị, đồng chí chủ trì giao nhiệm vụ cho các thành viên BCĐ có trách nhiệm tham mưu từng giải pháp và nội dung hoạt động cụ thể, quyết tâm phấn đấu để giảm tỷ lệ sinh và sinh con thứ 3 trở lên theo đúng tinh thần mà Nghị quyết Đảng bộ và Hội Đồng nhân dân đã đề ra cho năm 2014./.

                                  Phạm Thị Vinh
                             Viên chức Dân số – KHHGĐ xã Hưng Yên Bắc

Hưng Tây: Giao lưu sức khỏe sinh sản Vị thành niên và Thanh niên

Thực hiện kế hoạch phối hợp số 03/KHPH-BDS-ĐTN ngày 11 tháng 03 năm 2014 giữa ban chỉ đạo thực hiện công tác Dân số-KHHGĐ và Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh xã Hưng Tây; Kế hoạch hoạt động truyền thông Dân số-KHHGĐ năm 2014.
Sáng ngày 26/03/2014, Ban chỉ đạo thực hiện công tác Dân số-KHHGĐ và BTV Đoàn xã đã tổ chức buổi “Giao lưu tuyên truyền Giáo dục Sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên” cho đối tượng học sinh ở hai khối lớp 8,9 tại Trường THCS Hưng Tây .
Thầy Trần Trung Hiệu trưởng nhà trường và bà Cao Thị Nhung, Trưởng ban TT-GD trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện tặng quà cho các đội tham gia giao lưu tìm hiểu kiến thức SKSSVTN,TN
Đến tham dự buổi giao lưu, tuyên truyền, có thầy Trần Trung - Hiệu trưởng nhà trường; Bà Cao Thị Nhung - Trưởng ban Truyền thông - Giáo dục, Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện;  Ông Trần Văn Hiển - Phó chủ tịch UBND xã - Trưởng ban chỉ đạo thực hiện công tác Dân số-KHHGĐ xã; Trưởng các ban ngành đoàn thể cấp xã; các thầy cô giáo của nhà trường; CTV Dân số 26 xóm trên địa bàn xã và hơn 300 em học sinh.
Chương trình giao lưu được bắt đầu bằng màn erobich của các bạn học sinh lớp 9 và màn chào hỏi đến từ bốn đội tuyển gồm:  Đội Sức sống, đội Sẵn sàng, đội Tuổi trẻ và đội Rồng đỏ. Trải qua ba phần giao lưu: Câu hỏi trắc nghiệm, đúng sai và hiểu biết kiến thức. Nội dung xung quanh những hiểu biết về giới tính, những thay đổi về mặt tâm sinh lý thường gặp ở lứa VTN/TN, những nguy cơ đáng tiếc khi xảy ra quan hệ tình dục ở tuổi VTN và trước hôn nhân ở tuổi TN, có thai ngoài ý muốn và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục…nhằm hình thành kĩ năng sống cho học sinh trong việc tìm hiểu bản thân, cuộc sống, giúp các em suy nghĩ đúng đắn và kịp thời ngăn chặn những biểu hiện, suy nghĩ “lệch chuẩn” của một bộ phận giới trẻ hiện nay khi quan niệm hời hợt dễ dãi về tình dục, tình yêu, giúp học sinh biết cách nhận biết những tình cảm của bản thân và học cách tự kiểm soát những cảm xúc tiêu cực như buồn chán, thất vọng, phẫn nộ, căng thẳng…để có cách xử trí hợp lí trong những tình huống cụ thể.
* Một số hình ảnh hoạt động: ( Ảnh Cao Nhung)









Sau phần tuyên truyền kiến thức về Sức khỏe sinh sản là phần giao lưu trả lời câu hỏi cùng khán giả. Đây là nội dung tạo được sự quan tâm ở đông đảo các học sinh và được các em tham gia hưởng ứng tích cực. Mong rằng, với những nhận thức đúng đắn như trên, các em sẽ trang bị cho mình hành trang tốt nhất để bước vào cuộc sống còn nhiều chông gai, cám dỗ.
Buổi giao lưu tuyên truyền kết thúc trong bầu không khí vui tươi, cởi mở và hữu ích. Đây là hoạt động truyền thông trọng điểm trong kế hoạch truyền thông Dân số-KHHGĐ năm 2014 và là sự kiện thể hiện trách nhiệm phối hợp giữa BTV Đoàn xã và BCĐ thực hiện công tác Dân số-KHHGĐ./.
Võ Thị Ngà
Viên chức Dân số-KHHGĐ xã Hưng Tây