Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

Những dấu ấn truyền thông dân số

        Bản chất công tác Dân số - KHHGĐ là một cuộc vận động mà để vận động có kết quả tốt phải tập trung cho công tác truyền thông. Làm gì để công tác truyền thông được tốt? Băn khoăn, trăn trở để rồi các cán bộ Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Hưng Nguyên đã nghĩ ra những cách làm hay, sáng tạo... 
          Biết chúng tôi có ý định tìm hiểu công tác Dân số - KHHGĐ của huyện Hưng Nguyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGD, ông Nguyễn Trung Thành có một gợi ý nhỏ rằng "vào trang tin điện tử của Trung tâm Dân số - KHHGĐ Hưng Nguyên thử xem sao". Lạ. Và sau đó là thú vị khi chúng tôi đến với trang điện tử này. Dù thông tin trên trang tập trung tuyên truyền chính sách, quy định của Nhà nước, tỉnh, huyện, ngành cùng những bài viết về dân số - KHHGD nhưng khá hấp dẫn. Càng bất ngờ hơn khi chúng tôi được biết, phần lớn các tác phẩm trên trang điện tử là sản phẩm "vườn nhà". Ông Nguyễn Kim Bảng - Giám đốc Trung tâm đã nói với chúng tôi rằng: Có lẽ tôi hơi quân phiệt khi buộc các cán bộ của mình vất vả nắm bắt thông tin và... viết bài. Nhưng bản chất của công tác Dân số - KHHGĐ là một cuộc vận động. Để thực hiện cuộc vận động này, công tác truyền thông là giải pháp cơ bản nhất. Vì vậy, các cán bộ dân số phải có kỹ năng viết, nói để làm tốt công tác truyền thông thường xuyên, truyền thông sự kiện hoặc truyền thông tư vấn cộng đồng, tư vấn hộ... mới truyền tải được những vấn đề của Dân số - KHHGĐ đến cho người dân...
Lãnh đạo huyện Hưng Nguyên trao giấy khen cho xóm Hồng Lam
trong buổi lễ "Truyền thông sông nước".

          Ông Bảng không quá lời. Không chỉ cán bộ Trung tâm mà ở cơ sở, các viên chức dân số mỗi tuần phải thực hiện một bài viết để lãnh đạo xã, Trung tâm duyệt và cho đọc trên đài truyền thanh xã. Đã xuất hiện những cây viết Dân số ở huyện Hưng Nguyên như chị Cao Thị Nhung, Ngô Thị Tuyên, Lương Thị Quỳnh... (cán bộ Trung tâm Dân số - KHHGĐ); Hồ Thị Huế (Hưng Tân), Võ Thị Ngà (Hưng Tây), Phan Thị Mai (Hưng Thịnh), Phan Thị Tuyết (Hưng Mỹ), Trần Thị Hồng Nhung (Hưng Đạo), Hoàng Thị Hòa (Hưng Lĩnh), Phan Thị Bé (Hưng Long)... Ở xã Hưng Tân, chị Hồ Thị Huế đã thực hiện đến cả trăm bài viết về công tác Dân số - KHHGD. Chị Huế nói: "Trước đây lãnh đạo Trung tâm ra đề cương để chúng tôi thực hiện viết bài. Từ đầu năm 2014 đến nay, các cán bộ dân số xã tự nắm bắt thông tin để viết. Cứ thứ hai hàng tuần, chúng tôi gửi bài để lãnh đạo duyệt sau đó phát thanh viên đài truyền thanh xã sẽ đọc trong sáng sớm và chiều tối thứ năm...". Chị Huế đã vui vẻ cho chúng tôi xem nhật ký phát thanh và những tác phẩm của mình. Bài viết của chị khá đa dạng và có những bài chất lượng cao như "Nhìn lại một năm thực hiện Chỉ thị 09-CT/TU ngày 19/9 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 20-NĐ/TU về việc đẩy mạnh công tác Dân số - KHHGĐ trong tình hình mới" (ngày 25/12/2013) với nội dung đánh giá ưu khuyết công tác dân số - KHHGĐ của xã và những giải pháp khắc phục tồn tại; bài "Gương sáng điển hình và những gia đình vi phạm chính sách Dân số - KHHGĐ ở địa phương" (ngày 25/12/2013) với nội dung nêu gương 608 cặp vợ chồng, tiêu biểu là gia đình anh Hồ Văn Trung, chị Nguyễn Thị Hải (xóm 9), bên cạnh đó, phê phán gia đình anh Lâm Văn Lai, chị Võ Thị Văn (xóm 6) có thai con thứ 3 làm ảnh hưởng đến phong trào chung của xã... Theo chị Huế thì: "Để viết được là cả một quá trình chúng tôi rèn luyện, lao tâm khổ tứ. Yêu cầu của Trung tâm, các bài viết phải sát thực, bám sát nội dung công việc; tập trung tuyên dương các điển hình nhưng cũng phê phán mạnh mẽ những trường hợp vi phạm. Lãnh đạo xã cũng có yêu cầu tương tự để công tác dân số - KHHGĐ ngày một tốt hơn. Nhờ làm tốt công tác truyền thông, công tác Dân số - KHHGĐ xã Hưng Tân có những bước tiến dài và được đánh giá là một trong 5 xã đạt thành tích tốt nhất huyện... 
Cán bộ Trung tâm Dân số - KHHGĐ Hưng Nguyên và công tác viên dân số
xóm Hồng Lam tư vấn KHHGĐ cho chị Trần Thị Hóa
          Ở Hưng Nguyên, công tác truyền thông theo sự kiện cũng có những cách làm hấp dẫn. Cán bộ Trung tâm Dân số - KHHGĐ đã phân bổ huyện thành 3 khu vực mang sắc thái riêng, gồm: Vùng sông nước là 10 xã dọc đê; vùng đồng bào công giáo gồm các xã Hưng Tây, Hưng Trung, Hưng Yên Nam, Hưng Yên Bắc; Vùng giữa là các xã còn lại. Và từ đó họ có những cách truyền thông sự kiện khác nhau cho phù hợp. Chúng tôi đã ghé về xóm Hồng Lam (xã Hưng Lợi) nơi Trung tâm Dân số - KHHGD huyện Hưng Nguyên tổ chức lễ "Truyền thông sông nước". Qua hơn 4 tháng rồi nhưng dư âm tốt đẹp của buổi lễ vẫn còn cán bộ, nhân dân xóm Hồng Lam (xã Hưng Lợi) ghi nhớ. Xóm trưởng xóm Hồng Lam, ông Hồ Quốc Hùng hào hứng: "Xóm Hồng Lam rải dọc theo đường tránh Vinh, từ cầu Bến Thủy 2 lên đến kề xã Hưng Lợi đến 5 khu vực với 127 hộ, 457 khẩu. Dù hôm đó đã cận kề Tết Nguyên đán, công việc tất bật nhưng nhân dân đến rất đông. Buổi lễ được tổ chức trên sông Lam, sân khấu là một chiếc xà lan lớn. Bà con đi thuyền cắm cờ hoa đến dự như là đi hội thật là vui...". Chị Ngô Thị Tuyên, cán bộ Trung tâm chuyên trách xã Hưng Lợi thì nói rằng: "Người dân vùng sông nước thường hay "vỡ kế hoạch", nhưng xóm Hồng Lam đã 10 năm liên tục không có gia đình sinh con thứ 3. Điều này đã cho thấy nhận thức về KHHGĐ của họ thay đổi đến thế nào. Trung tâm chọn tổ chức buổi lễ ở đây ngoài công tác tuyên truyền còn để huyện vinh danh xóm...". Quả thực, nếp nghĩ của người dân sông nước vùng Hưng Lợi đã rất tiến bộ. Trò chuyện với chị Trần Thị Hóa (vợ anh Trần Văn Mùi làm nghề đánh cá), là gia đình có 2 con gái, chị Hóa đã nói với chúng tôi rằng: "Có hai con là đủ rồi. Trai hay gái cũng không sao. Chồng tôi không buồn trái lại còn động viên tôi cố gắng giữ gìn sức khỏe, tập trung chăm lo cho các con để chúng có sức khỏe mà học hành...".
Cán bộ Trung tâm Dân số - KHHGĐ Hưng Nguyên
và các công tác viên dân số xã Hưng Lợi họp bàn triển khai công tác.
          Còn rất nhiều hình thức truyền thông mà Trung tâm Dân số - KHHGĐ Hưng Nguyên đã thực hiện. Đó là chương trình đối thoại trực tiếp được thực hiện ngày 8/5/2013 giữa lãnh đạo huyện, Chi cục Dân số - KHHGĐ với Cộng tác viên dân số của 254 xóm trên toàn huyện và hơn 500 cán bộ, nhân dân xã Hưng Tân với chủ đề "Dân số Hưng Nguyên: Những thách thức và giải pháp"; Lễ phát động chiến dịch "Tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sực khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình năm 2013" tổ chức ngày 28/3/2013 tại xã Hưng Yên Bắc với sự tham gia của lãnh đạo Chi cục và Thường trực Huyện ủy; Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện pháp lệnh Dân số; Kỷ nệm Ngày Dân số Thế giới; Hưởng ứng sự kiện 1/11/2013 dân số Việt Nam tròn 90 triệu người; Tháng hành động Quốc gia về Dân số; Ngày Dân số Việt Nam... Là gần 600 cuộc truyền thông tư vấn cộng đồng, tư vấn nhóm; Các buổi nói chuyện chuyên đề về các nội dung: chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình; chất lượng dân số; về đề án sàng lọc trước và sau sinh; đề án mất cân bằng giới tính. Là trên 1300 câu khẩu hiệu trên tường, áp phích, pa nô mang thông điệp Dân số - KHHGĐ; là hoạt động của 90 Câu lạc bộ "Gia đình hạnh phúc" với 4690 hội viên; là việc thực hiện đề án truyền thông Dân số - KHHGĐ vùng giáo...
           Nhờ làm tốt công tác truyền thông, ngành Dân số - KHHGĐ Hưng Nguyên đã gặt hái những thành quả đáng khích lệ. Đến tháng 12/2013, dân số Hưng Nguyên có 111.139 người; tổng số sinh 1.739 cháu, giảm 275 cháu so với năm 2012. Tỷ suất sinh:15,4%o, giảm 2,8%o so với năm 2012 (tỉnh giao 0,5%o); Tỷ số giới tính khi sinh là 124 bé trai/100 bé gái (năm 2012 là 137 bé trai/100 bé gái); Tổng số trẻ sinh là con thứ 3 trở lên là 327 cháu, giảm 32 cháu so với cùng kỳ. Trong đó có 65 cháu là con thứ 4, 20 cháu con thứ 5, 5 cháu con thứ 6, 3 cháu con thứ 7, 1 cháu con thứ 10 (chủ yếu tập trung ở các xã Hưng Yên Nam, Hưng Yên Bắc và Hưng Trung); Có 96 xóm không có gia đình sinh con thứ 3, tăng 12 khối, xóm so với năm 2012. Trong đó có nhiều khối xóm nhiều năm liên tục không có gia đình sinh con thứ 3; 16650/17180 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ ý cam kết không sinh con thứ 3, đạt 96,9%; 100% đơn vị hoàn thành công tác kế hoạch hóa gia đình. có những xã vượt chỉ tiêu như Hưng Tân (160%), Hưng Xá (134,7%), Hưng Mỹ (133,4%), Hưng Đạo (120%), Hưng Tây (118,3%), Hưng Yên Nam(117,1%), Hưng Yên Bắc (115,7%)... Với những kết quả này, ngành Dân số - KHHGĐ Hưng Nguyên được xếp loại là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
          Tự hào với những gì đã thực hiện, nhưng theo ông Bảng, công tác Dân số - KHHGĐ vẫn là một thách thức không nhỏ. Ông Bảng trăn trở: "Việc sinh con thứ 3 đã giảm đáng kể, vậy nhưng mức độ bền vững ra sao thì chưa thể có sự đánh giá chính xác. Trong năm 2013, Hưng Nguyên vẫn còn 24 cán bộ, đảng viên vi phạm, thậm chí vẫn còn tình trạng có cán bộ, giáo viên đến Trung tâm xin tư vấn để tránh không bị xử lý kỷ luật. Hưng Nguyên lại là vùng có khá đông đồng bào Công giáo chịu ảnh hưởng bởi giáo lý thần quyền có nhiều điểm khác biệt với chính sách về Dân số - KHHGĐ. Chúng tôi tuyên truyền trong nhân dân là sinh đẻ có kế hoạch, vậy nhưng với đồng bào Công giáo thì là "sinh đẻ có trách nhiệm", đồng thời bác bỏ các biện pháp phòng tránh thai...". Để vượt qua những khó khăn thách thức, ông nói rằng: Chúng tôi xác định một cách nhất quán công tác tuyên truyền giáo dục, vận động mọi tầng lớp nhân dân chuyển đổi hành vi, nhận thức là điều quan trọng nhất. Bởi vậy, sẽ tiếp tục tập trung cao độ cho công tác truyền thông. Bên cạnh việc duy trì có chất lượng những hình thức truyền thông đã thực hiện, chúng tôi sẽ mở ra thêm những loại hình truyền thông mới cho phù hợp với đặc điểm dân cư như truyền thông lưu động; truyền thông nổi bật... Hy vọng rằng những nỗ lực của ngành Dân số - KHHGĐ Hưng Nguyên sẽ nhận được sự ủng hộ các cấp, ngành và toàn thể nhân dân.

                                                                                                                  Hà Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét