Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

Phòng bệnh rối loạn chuyển hóa bẩm sinh ở trẻ: Sàng lọc trước sinh vô cùng quan trọng




GiadinhNet-Không ít trẻ khi sinh ra hồng hào, khỏe mạnh, nhưng chỉ vài ngày, vài cữ bú sữa, trẻ bỗng nhiên li bì, bỏ bú, hôn mê và đột ngột tử vong sau đó… Chứng đột tử ở trẻ liên quan đến bệnh rối loạn chuyển hóa bẩm sinh đã từng là nỗi đau đớn, trăn trở của gia đình và các bác sĩ sản – nhi.

Phòng bệnh rối loạn chuyển hóa bẩm sinh ở trẻ: Sàng lọc trước sinh vô cùng quan trọng 1

Sàng lọc trước sinh giúp phát hiện được bệnh rối loạn chuyển hóa ở trẻ
          Chứng đột tử ở trẻ - nỗi trăn trở của các bác sĩ sản - nhi

Tháng 7/2013, chị N.T.T (trú tại xã Tân Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) sinh cháu P.M.T. Năm giờ sau sinh, cả mẹ và trẻ hoàn toàn bình thường, được theo dõi tại phòng hậu sản. Tuy nhiên, 1 giờ sau đó, khi gia đình đưa trẻ đến phòng tắm, nữ hộ sinh phát hiện trẻ có biểu hiện bất thường: Có lúc gồng cứng, mắt trợn ngược, trương lực cơ mềm nhũn nên đã báo bác sĩ điều trị và chuyển bệnh nhi tới phòng sinh để hồi sức.

Rối loạn chuyển hóa bẩm sinh xuất phát từ việc bé bị bất thường về gene, khiến cơ thể không thể tự tổng hợp được các enzyme vốn có chức năng chuyển hóa. Bệnh có 3 nhóm chính: Rối loạn chuyển hóa đường, đạm và chất béo.
Sau khi hội chẩn, trẻ biểu hiện xấu dần: Da tím tái, thở yếu, trương lực cơ mềm nhũn. Mọi cố gắng cứu chữa của bệnh viện không có kết quả, bé tử vong 3 giờ sau đó. Hội đồng chuyên môn Sở Y tế Lâm Đồng sau khi nghiên cứu đã kết luận: Cháu P.M.T tử vong do rối loạn chuyển hóa bẩm sinh.
Mới đây, ngày 28/2, một bé trai đã chào đời khỏe mạnh tại Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) nhưng chỉ sau vài cữ bú sữa, bé bỗng lừ đừ, hôn mê và tử vong vài ngày sau đó. Căn cứ vào biểu hiện lâm sàng và kết quả của các xét nghiệm, các bác sĩ xác định bé bị chứng rối loạn chuyển hóa bẩm sinh. Qua thông tin của bố mẹ bệnh nhi thì con đầu của họ cũng tử vong sau sinh tại Quy Nhơn với chẩn đoán nhiễm trùng sơ sinh.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, BS Vũ Chí Dũng, Trưởng khoa Nội tiết - chuyển hóa - di truyền cho biết: Năm 2013, một cặp vợ chồng ở quận Đống Đa (Hà Nội) đưa đứa con trai 17 tháng tuổi (lúc sinh khỏe mạnh) vào điều trị trong tình trạng rất nguy kịch, bị vàng da, viêm phổi nặng. Các bác sĩ khám sàng lọc, xét nghiệm, chẩn đoán cháu bị rối loạn chuyển hóa bẩm sinh (rối loạn đạm) và đã điều trị, cứu sống được.
Qua tìm hiểu, cặp vợ chồng này trước đó đã sinh 2 con, cả 2 đều tử vong vì các triệu chứng bệnh giống hệt như cháu bé này. Tuy nhiên, do không thể phát hiện bệnh nên điều may mắn đã không đến với 2 cháu đầu được. Theo các bác sĩ, đây là bệnh có yếu tố di truyền và thực tế trong số các bệnh nhi vào điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, rất nhiều trường hợp đã từng có anh chị tử vong trước đó vì bệnh lý tương tự mà lúc tử vong không biết rõ bệnh.
PGS.TS Lưu Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, trên thế giới, rối loạn chuyển hóa bẩm sinh có tỷ lệ mắc chung là 1/2.000 trẻ sinh sống. Tử vong do các bất thường bẩm sinh của trẻ em chiếm 22% trong số các nguyên nhân tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Chứng đột tử ở trẻ luôn là nỗi trăn trở của các bác sĩ sản - nhi.
Còn tại Việt Nam, PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin: Từ tháng 11/2012 - 10/2013, Bệnh viện đã phát hiện được 160 trẻ mắc rối loạn chuyển hóa bẩm sinh trong số 1.709 ca có nguy cơ cao được xét nghiệm sàng lọc, chiếm gần 10%. PGS. TS Lê Thanh Hải nhấn mạnh, số bệnh nhân được phát hiện nói trên chỉ là một phần rất nhỏ so với số mắc trong cộng đồng. Hiện tại, đa số bệnh nhi mắc bệnh này đã tử vong hoặc di chứng tàn tật mà không có chẩn đoán xác định.
Bệnh dễ nhầm với các bệnh thông thường khác
Theo PGS.TS Lưu Thị Hồng, có đến hơn 90% bệnh nhân bị rối loạn chuyển hóa bẩm sinh đang bị bỏ sót trong cộng đồng. Ngay trong số 10% bệnh nhân may mắn được phát hiện thì cũng hầu hết là phát hiện muộn, khả năng phục hồi lâu dài rất thấp, chỉ đạt 7-8%.
Theo Bệnh viện Nhi Trung ương – đơn vị duy nhất có khám sàng lọc, chẩn đoán, điều trị bệnh này tại Việt Nam, thời gian đầu mới triển khai, tỷ lệ bệnh nhân tử vong lên tới 50%, đến năm 2013 dù đã được cải thiện rất nhiều song tỷ lệ tử vong vẫn ở mức cao, khoảng 14%.

Tuy nhiên, theo BS Vũ Chí Dũng, việc phát hiện sớm nhằm giảm số trẻ tử vong gặp nhiều khó khăn. Do bệnh không có dấu hiệu đặc thù rõ rệt nên rất khó phát hiện, dễ bị nhầm lẫn với suy hô hấp, tiêu chảy cấp và nhiễm trùng huyết... Thực tế, trong số các bệnh nhân được Bệnh viện Nhi Trung ương chẩn đoán mắc rối loạn chuyển hóa bẩm sinh có tới 50% bệnh nhân vào viện vì bị suy hô hấp, 50% bị nhiễm trùng huyết và cũng khoảng một nửa trong số các bệnh nhân có dấu hiệu về thần kinh.
Các bác sĩ chuyên khoa đánh giá, đây là bệnh di truyền nên vấn đề sàng lọc trước sinh là vô cùng quan trọng, xét nghiệm nhiễm sắc thể, xét nghiệm máu là chưa đủ mà cần phải có những xét nghiệm chuyên sâu, phân tích được ở mức độ gene, phân tử mới đáp ứng được yêu cầu của bệnh này. BS Vũ Chí Dũng lưu ý các triệu chứng của bệnh rối loạn chuyển hóa bẩm sinh ở trẻ là bị hạ đường huyết, thở nhanh, giảm trương lực cơ, co giật, hôn mê… Bé có thể bị ngay khi mới sinh ra hoặc bị khi có stress, các triệu chứng thần kinh tiến triển.
“Khi trẻ còn trong bụng mẹ, các chất dinh dưỡng mà bé tiếp nhận đều được cơ thể mẹ chuyển hóa giúp. Đến khi chào đời và bú mẹ, các chất này sẽ không được chuyển hóa ở cơ thể trẻ mang bệnh mà ứ lại. Ở thể nặng, trẻ sẽ tử vong ngay sau sinh. Ở thể nhẹ, có thể dẫn tới thiếu hụt sản phẩm cần thiết và ứ đọng chuyển hóa gây tổn thương  một hoặc nhiều cơ quan trong cơ thể, gây kém phát triển tâm thần vận động”, BS Dũng nói.
Hiện nay, với các máy móc, thiết bị hiện đại, Bệnh viện Nhi Trung ương và một số bệnh viện lớn khác đã có thể phát hiện bệnh sau sinh.

Cha mẹ phải lưu tâm triệu chứng nào ở trẻ?
BS Vũ Chí Dũng khuyến cáo, khi trẻ em có biểu hiện bú kém, bỏ bú, li bì, hôn mê, vàng da, đái tháo đường, nhiễm trùng huyết… mà qua khám không xác định được nguyên nhân thì phải nghĩ tới bệnh rối loạn chuyển hóa bẩm sinh và đưa trẻ đi làm xét nghiệm toan chuyển hóa để được chẩn đoán. Nếu được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời, bệnh nhi có thể được cứu sống và phát triển bình thường.
Những gia đình có tiền sử con bị tử vong nhiều lần không rõ nguyên nhân, cha mẹ nên lưu ý đến trường hợp này và tới thẳng bệnh viện để tiến hành một số các xét nghiệm đặc biệt để loại trừ khả năng mình mang gene rối loạn chuyển hóa bẩm sinh.
Quỳnh An – Vũ Nguyên
Nguồn:http://giadinh.net.vn 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét