Có lẽ người Việt Nam chúng ta ai cũng thuộc lòng khẩu hiệu: “Mỗi cặp vợ chồng chỉ có từ 1 – 2 con”. Suốt mấy thập kỷ qua, khẩu hiệu ấy được nhắc đi nhắc lại trên các phương tiện truyền thông đại chúng; được treo ở những nơi bắt mắt nhất, dễ thấy nhất. Hiện nay, khẩu hiệu ấy đang có sự thay đổi với thông điệp mới: “Mỗi cặp vợ chồng hãy nên có 2 con”.
|
Trước thông điệp mới này, khi được hỏi, người dân có nhiều ý kiến khác nhau và cách hiểu khác nhau. Anh Nguyễn Đăng Sơn (đường Nguyễn Phong Sắc, Hà Nội) cho biết, khẩu hiệu này… hơi lạ. “Trước đây, tôi có nghe thấy khẩu hiệu “mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1 – 2 con”. Chắc là do hiện nay ở các thành phố lớn, các cặp vợ chồng mải mê công việc quá, sinh ít con nên cần có thông điệp này để khuyến khích họ nên đẻ 2 con”.
Chị Đặng Việt Bích (Cầu Giấy, Hà Nội) thì hiểu khẩu hiệu này có nghĩa là “không nên đẻ 1 con mà nên đẻ 2 con cho có anh có em, để dân số không bị già hóa”… Còn với cách hiểu của ông Phạm Minh Tấn (Ba Đình, Hà Nội) thì do quan niệm trọng nam khinh nữ nên nhiều người sinh được con trai rồi họ sẽ dừng lại không sinh tiếp. “Vì thế, khẩu hiệu này theo tôi là muốn mọi người đã sinh được con đầu là con trai rồi thì vẫn tiếp tục sinh cho đủ 2 con, để không mất cân bằng giới tính khi sinh”, ông Tấn nói.
Lý giải về sự thay đổi thông điệp này, TS Dương Quốc Trọng – Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết: “Chúng tôi chính thức đưa ra thông điệp “mỗi cặp vợ chồng hãy nên có 2 con” trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số (năm 2013).
Đồng chí có giao cho ngành Y tế, Dân số xây dựng cơ chế, chính sách để làm sao mỗi cặp vợ chồng có 2 con là những cặp vợ chồng có lợi nhất. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định rằng, việc sinh đẻ của mỗi gia đình không còn là chuyện riêng của mỗi gia đình. Đây là vấn đề của quốc gia, của dân tộc – đây cũng là quan điểm đường lối của Đảng ta, để việc sinh đẻ ấy không chỉ là quyền lợi mà còn là nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng đối với đất nước, với sự trường tồn của dân tộc ta”.
Hiện nay, tính trên bình diện chung mỗi cặp vợ chồng có 2 con nhưng vẫn còn sự khác biệt giữa các vùng, miền. Các tỉnh vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, phía Tây của các tỉnh miền Trung thì tỷ suất sinh còn cao, trung bình có tới trên 3 con và số sinh con thứ ba còn khá lớn. Đối với những nơi ấy vẫn phải tiếp tục giảm sinh để nhanh chóng giảm xuống mỗi cặp vợ chồng có 2 con.
Tuy nhiên, theo TS Dương Quốc Trọng, ở các tỉnh Nam Bộ, đặc biệt là TP HCM tổng tỷ suất sinh ở mức rất thấp, khoảng 1,3 con, có rất nhiều cặp vợ chồng chỉ sinh 1 con, Tổng cục DS-KHHGĐ khuyên “hãy nên đẻ 2 con” và sẽ có kế hoạch triển khai thông điệp này rộng rãi trên toàn quốc.
Thời điểm chín muồi để đưa ra thông điệp mới
Theo TS Dương Quốc Trọng, đây là thời điểm chín muồi để đưa ra thông điệp mới. Giai đoạn trước đây, Việt Nam phải tích cực làm công tác giảm sinh do quy mô dân số quá lớn, tốc độ gia tăng dân số quá nhanh nên mục tiêu của công tác dân số trước đây là giảm sinh, càng nhanh, càng nhiều càng tốt.
TS Dương Quốc Trọng cho hay, các nước trên thế giới đã, đang và sẽ thành công trong mặt giảm sinh nhưng hầu như chưa có quốc gia nào thành công trong việc nâng mức sinh lên khi mức sinh đã thấp xuống quá mức. “Công tác DS-KHHGĐ có vai trò rất quan trọng, đặc biệt là đối với tương lai của đất nước. Những việc ngành Dân số làm ngày hôm nay thì tới 15 – 20 năm sau mới nhận được thành quả hoặc hệ lụy nếu ta làm tốt hoặc không tốt. Sẽ thực sự là thảm họa nếu không đảm bảo được nòi giống, sự trường tồn của một quốc gia, một dân tộc để phát triển bền vững”, ông nói.
Bên cạnh ý kiến của người dân về thông điệp trên, một số chuyên gia cũng có ý kiến về vấn đề này. PGS.TS Đặng Nguyên Anh – Viện trưởng Viện Xã hội học cho rằng không cần đưa ra khẩu hiệu mới mà hãy để người dân tự điều chỉnh khi thấy thực trạng tương lai dân số sẽ già đi, cần có nhiều phúc lợi xã hội hơn, số trẻ em sẽ suy giảm...
TS Dương Quốc Trọng cho rằng đây cũng là một ý kiến hay, tuy nhiên, ở góc độ những người làm công tác quản lý nhà nước, ông cho rằng cần đưa ra một thông điệp để hướng dẫn người dân thực hiện theo mục tiêu nào đó. Theo ông, những năm kháng chiến, các khẩu hiệu “phá kho thóc của Nhật”, “người cày có ruộng” đã làm nô nức lòng người, kết tụ được người dân và giúp chúng ta thành công trong cuộc kháng chiến, giành độc lập dân tộc.
Bản chất công tác DS-KHHGĐ là một cuộc vận động và để cho người dân tự nguyện, tự giác thực hiện sẽ luôn đảm bảo được tính bền vững. Đảng và Nhà nước ta luôn luôn tôn trọng nguyên tắc đó. “Mỗi cặp vợ chồng hãy nên đẻ 2 con” là thông điệp về số lượng, song nó cũng dẫn tới việc làm chậm quá trình già hóa dân số; nó cũng kéo dài thời kỳ dân số vàng và cũng chính nó giúp giảm tỷ số giới tính khi sinh xuống.
“Riêng một mình thông điệp này chưa đủ; nó rất quan trọng về mặt số lượng nhưng không có nghĩa sẽ thay thế tất cả các hoạt động khác mà cần được tiến hành đồng bộ với những giải pháp khác nhau. Mỗi thời điểm, hoàn cảnh, chủ đề khác nhau, cần có những thông điệp phù hợp. Tôi tin rằng, trong công tác dân số, nếu chúng ta đưa được thông điệp phù hợp với lòng người thì công tác DS-KHHGĐ sẽ thành công”, TS Dương Quốc Trọng cho hay.
Thay đổi một thông điệp, một khẩu hiệu không chỉ là thay đổi vài câu chữ, mà kéo theo đó là sự thay đổi trong quan niệm, trong chính sách dân số, trong kế hoạch sinh đẻ của mỗi gia đình và sự chủ động kiểm soát, tính toán quy mô dân số của cả một đất nước. Thay đổi này lớn hay nhỏ còn phụ thuộc vào nhận thức dựa trên hoàn cảnh thực tế của mỗi gia đình. Ví dụ, gia đình chỉ dự định chỉ sinh 1 con sẽ khiến cho họ có thay đổi trong kế hoạch. Theo TS Dương Quốc Trọng, đây không phải là sự nới lỏng về chính sách dân số, không khuyến khích các gia đình có nhiều con mà “hãy nên có 2 con”. Con số 2 con vẫn là con số chuẩn mực cho mỗi gia đình, phù hợp để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. |
Hà Anh
Nguồn:http://giadinh.net.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét